Tôi đã từng có một giấc mơ. Một giấc mơ như quay trở lại thời con trẻ. Ở đó, chỉ có tôi và những ngày hè nóng bức. Những ngày cật lực “cong đít” đạp xe để mua một cây kem mát lạnh. Nắng ấm phả vào đôi gò má, khí trời mông lung hòa với tầng khí nóng bốc lên từ mặt đất. Nằm thảnh thơi giữa một bãi cỏ xanh ngắt, tôi gác chân tưởng tượng hình ảnh đẹp đẽ của mình mười năm sau. Phải chăng thứ giai điệu vang vọng trong tai lúc ấy chính là ước mơ của một người trẻ chưa trải sự đời, chưa biết về một thế hệ của những nỗi lo?
Có thể bạn không biết, thế giới đang gọi thế hệ chúng ta là thế hệ của những nỗi lo. Nếu 70 năm về trước, Gen X được coi là “Thế hệ tuyệt vời nhất” (The greatest generation), thì thế hệ Millennials (những người sinh từ 1981 đến 1996) lại được biết đến với cái tên gọi khác không mấy hay ho – “thế hệ lo âu” (the anxious generation). Đã có nhiều nghiên cứu khoa học tìm hiểu về hội chứng này và lý do tại sao thế hệ trẻ ngày nay lại có mức độ lo âu cao hơn những thế hệ trước. Tại Việt Nam, theo thống kê của Bộ Y Tế năm 2017, có 15% dân số gặp các vấn đề về rối loạn lo âu, trầm cảm, rối loạn stress, tương ứng với trên 10 triệu người. Vì vậy, đây chính là hồi chuông cảnh báo rằng, những nỗi lo không chỉ còn nằm trong phạm vi cảm xúc nhất thời nữa. Nó đang dần trở thành một căn bệnh phổ biến và tăng cao, không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới.
Vậy đâu là ngọn nguồn gốc rễ dẫn đến tình cảnh đáng buồn trên? Đâu là lối thoát cho những con người, những tâm hồn đang day dứt, bị dằn vặt bởi muôn vàn nỗi lo không tên?
Giấc mộng khẳng định vị thế bản thân
“Hôm nay tôi sẽ chia sẻ với mọi người về nỗi sợ của mình. Nỗi sợ của việc bị lãng quên.” Nhân vật August đã bắt đầu câu chuyện của mình như thế trong bộ phim “The fault of our stars” (Khi lỗi thuộc về những vì sao). Có thể nói, chưa bao giờ làn sóng “khẳng định giá trị bản thân” của giới trẻ lại mạnh mẽ như hiện nay. Chúng ta luôn phải sống với nỗi băn khoăn, sợ hãi vô hình về sự tồn tại của bản thân. “Và mình là ai trong bao nhiêu đây, hạt cát kia giữa sa mạc?”, “Rồi một ngày ta tan biến như bao tinh tú kia giữa thiên hà?.” Hầu hết những người dễ mắc rối loạn lo âu nhất là những người luôn mang trong mình những hoài bão to lớn, mong muốn tạo nên dấu ấn của bản bản mình cho cuộc đời, cho xã hội. Nhưng trên con đường thực hiện khao khát ấy, họ lại dần “chết” trong chính giấc mơ của mình. Họ lạc lối giữa muôn vạn ngã rẽ, muôn vàn lý do. Cuối cùng, họ đánh mất bản thân. Đối với họ, “giá trị bản thân” là điều gì quá sức to lớn trong tâm trí, nhưng thực tại, thân thể lại quá nhỏ bé với thế giới này.
Năm ngoái, khi có cơ hội được tham gia chương trình We Choice Award 2019, chủ đề mang tên “Điều phi thường nhỏ bé”, tôi đã thật sự xúc động khi nó hướng đến người trẻ – thế hệ của những nỗi lo. “Chúng ta đều là những người bình thường. Nhưng nếu chúng ta làm hết sức, trước hết sẽ là điều phi thường với chính bản thân mình, điều mình chưa từng làm trước đó. Nếu nỗ lực hơn nữa vì ích lợi của những người khác, nó sẽ lan tỏa thành điều phi thường cho toàn xã hội.” Không ai có thể cứu rỗi bản thân chúng ta khỏi những lo âu, trừ bản thân mình. Hãy hiểu rõ bản thân bạn trước khi mơ mộng những thứ xa vời khỏi tầm tay. Sau đó, từng bước một, chạm tới giấc mơ của mình. “Thà thắp lên một ngọn nến nhỏ, còn hơn ngồi đó và nguyền rủa bóng đêm.”
Áp lực từ thế hệ đi trước
Chúng ta may mắn được sinh ra trong thời kỳ không còn chiến tranh, không còn tiếng bom đạn. Tuy nhiên, chúng ta lại mang trong mình một cuộc chiến khác. Cuộc chiến với chính bản thân và gia đình mình. Có lẽ, bất kỳ đứa trẻ nào ở Việt Nam cũng rất quen thuộc với câu nói: “Con nhà người ta giỏi biết bao nhiêu, còn con mình thì…”. Lớn hơn một chút, câu nói ấy sẽ được thay đổi vài phần thành: “Bằng tuổi con, ba mẹ đã tự mua được nhà từ hai bàn tay trắng, chăm được cả hai đứa con. Còn con thì…”.
Đối với thế hệ 8x-9x, thành công trong sự nghiệp giống như một thước đo của chuẩn mực xã hội. Đặc biệt, với những gia đình khá giả, con cái được ăn học đàng hoàng, họ lại càng không có lý do để thất bại. Sau hơn hai mươi năm sống dưới sự kèm cặp khắt khe của cha mẹ, khi bước ra đời, chúng ta bị sốc trước cách “thế giới vận hành luôn ghì ta xuống”. Chúng ta buồn vì không thể tâm sự với ai, bạn bè lúc nào cũng bận rộn với cuộc sống cá nhân. Chúng ta lại càng không đủ can đảm để trò chuyện với ba mẹ. Vì sợ nếu nói lâu, chúng ta sẽ xúc động mà khóc lên mất. Thật khó khăn để che giấu cảm xúc với những người ta yêu thương. Áp lực phải thành công cho cha mẹ thấy đem đến những nỗi lo đáng sợ mà ta không biết bao giờ mới có thể vượt qua.
Xem thêm: Sự nghiệp “dậm chân tại chỗ”, làm sao để vươn lên trong sự nghiệp
Thế hệ những nỗi lo đến từ mạng xã hội
Theo bài báo đến từ New York Post, thế hệ Millennials được coi là thế hệ đầu tiên tiếp xúc với Internet và mạng xã hội. Bên cạnh đó, cũng có nhiều nghiên cứu cho rằng, mạng xã hội cũng là nguyên nhân chính làm tăng lên mức độ lo âu của những người trẻ. Khoa học phát triển mở ra chúng ta những chân trời mới, nhưng cũng khiến ta sống trong một thế giới khác không thể đặt tên.
Hôm nay bạn thấy người bạn Đại học của mình đăng tấm hình mới ứng tuyển được công việc tốt, còn bạn vẫn lẹt đẹt ở vị trí nhân viên quèn. Bạn cảm thấy mình kém cỏi.
Ngày kia bạn thấy đứa em họ checkin tại một đất nước khác với những món đồ xa xỉ, lung linh, trong khi mình lại bám dí ở văn phòng. Bạn thấy thật bất công.
Tối nay, bạn lại thấy có người khoe ảnh vui vẻ cùng người yêu, còn mình thì cô đơn một góc căn phòng nhỏ mở Netflix coi phim. Bạn ganh tị.
Sau tất cả, bạn thấy mình thật bé nhỏ, bị bỏ xa so với những bạn đồng trang lứa. Thậm chí, thua xa cả những người ít tuổi hơn mình. Bạn phải chạy, phải chạy, phải chạy thật nhanh. Bạn cố gắng chứng tỏ rằng mình cũng có một cuộc sống thật tốt, mình cũng vui vẻ và có một cuộc sống như trên mây. Bạn gò ép mình trong những lối suy nghĩ tích cực. Nhưng đằng sau những giây phút giả dối ấy, bạn lại cảm thấy lạc lõng, trống rỗng đến đáng thương. Joker, một kẻ tâm thần điên loạn trong mắt của người đời, đã phải có lúc thốt lên rằng: “Thật khó khăn khi phải cố gắng tỏ ra vui vẻ mọi lúc”.
Hãy buông chiếc điện thoại của bạn xuống, tắt mạng wi-fi, và lắng nghe trái tim mình nói gì. Bạn không cần phải tham gia cuộc đua ấy – cuộc đua với mạng xã hội, bởi vì sẽ không có ai chiến thắng cả. Bạn có chắc, những điều bạn thấy trên mạng là sự thật? Ở đây có một sự thật bạn cần thấy rõ, đó là sức khỏe tâm lí của bản thân bạn đang dần yếu đi. Hãy tìm đến những sự trợ giúp, tình cảm chân thành từ những người xung quanh mình, những người bạn thật sự yêu thương, và họ cũng yêu thương bạn.
Gửi người lạ, nếu bạn đang lạc lối thì hãy ngủ một giấc, đừng quá oán trách bản thân. Tôi biết bạn cũng đã rất cố gắng mới đi được đến đây. Trong nhân gian có nhiều điều hối tiếc, nhưng tôi mong bạn có thể bốn mùa vô lo. Bởi mọi chuyện xảy ra trên thế giới này, đúc kết lại cũng sẽ thành ba chữ “Rồi sẽ qua”. Những điều tốt đẹp nhất sẽ tới. Tôi muốn mượn câu nói của Paulo Coelho trong tác phẩm “Nhà giả kim” để kết thúc bài viết này: “Chỉ khi bạn có một khao khát, một ước mơ mãnh liệt cũng như cố gắng hết sức đạt được ước mơ đó, thì vũ trụ sẽ đáp lại mong muốn sâu thẳm trong tâm hồn bạn.” Tôi mong rằng, tôi và bạn, thế hệ của chúng ta, trong tương lai, sẽ không còn bị gọi là “thế hệ của những nỗi lo” nữa.
JobHopin Team