luật bảo hiểm xã hội

Năm 2020 đã đi đến gần cuối chặng đường với hàng loạt sự kiện quan trọng tác động lớn đến nền kinh tế Việt Nam. Bên cạnh đó, chính sách Luật Bảo hiểm xã hội cũng có nhiều thay đổi đáng chú ý mà cả người lao động và người sử dụng lao động cần phải nắm rõ. Bài viết dưới đây sẽ thông tin chi tiết những điểm thay đổi nổi bật nhất trong Luật Bảo hiểm xã hội 2020 đến mọi người.

Luật Bảo hiểm xã hội tăng các khoản trợ cấp 

Căn cứ theo Nghị định 38/2019/NĐ-CP của Chính phủ, Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành, từ ngày 1/7/2020, mức lương cơ sở đã tăng lên 1.490.000 đồng/tháng thay vì 1.390.000 đồng/tháng như trước đây. Nhờ vậy, nhiều khoản trợ cấp BHXH được tăng theo, người tham gia bảo hiểm vì thế mà hưởng lợi.

Cụ thể, mức thay đổi được áp dụng trên các khoản trợ cấp:

  1. Trợ cấp chế độ bảo hiểm thai sản: Tăng từ 2,78 triệu đồng/tháng lên 2,98 triệu đồng/tháng đối với lao động nữ sinh con hoặc nhận con nuôi dưới 06 tháng tuổi, tức 2 lần mức lương cơ sở (Điều 38 Luật Bảo hiểm xã hội 2014)
  2. Trợ cấp dưỡng sức sau sinh, phục hồi sức khỏe: Tăng từ 417.000 đồng/ngày lên 447.000 đồng/ngày đối với người lao động nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau ốm đau và thai sản, tương đương 30% mức lương cơ sở (Điều 29, Điều 41 của Luật Bảo hiểm xã hội 2014)
  3. Trợ cấp tuất hàng tháng: Tăng từ 695.000 đồng/tháng lên 745.000 đồng/tháng với mỗi thân nhân; riêng với thân nhân không có người nuôi dưỡng, mức trợ cấp tăng từ 973.000 đồng/tháng lên 1,043 triệu đồng/tháng, tức từ 50% – 70% mức lương cơ sở (Điều 68, Luật Bảo hiểm xã hội 2014).
  4. Trợ cấp mai táng: Tăng từ 13,9 triệu đồng lên 14,9 triệu đồng (tức 10 lần tháng lương cơ sở, theo quy định tại Điều 66 Luật Bảo hiểm xã hội 2014)

Thay đổi mức tiền lương đóng bảo hiểm

Theo Luật BHXH, mức đóng BHXH sẽ được căn cứ dựa trên tỷ lệ đóng và tiền lương tối thiểu, tối đa của người lao động. Từ đó, quy định nên mức đóng BHXH hợp lý cho tất cả mọi người. Ngoài ra, các doanh nghiệp, đặc biệt bộ phận nhân sự nên chú trọng đến vấn đề quản lý mức lương của nhân viên khi đóng BHXH cho họ.

Trong khi tỷ lệ đóng BHXH năm 2020 được giữ nguyên, thì theo Luật BHXH mới nhất, bắt đầu từ ngày 1/1/2020, mức tiền lương tối thiểu và tối đa tính đóng BHXH bắt buộc lại có những thay đổi cần chú ý như sau.

  1. Mức lương tối thiểu đóng BHXH: Không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng. Thay đổi này được căn cứ theo Quyết định 595/QĐ-BHXH, áp dụng đối với các công việc đơn giản nhất, trong điều kiện làm việc bình thường và không quá 7% đối với người lao động đã trải qua học nghề và đào tạo nghề.
  2. Mức lương tối đa đóng BHXH: Bằng 20 lần mức lương cơ sở. Như vậy, căn cứ theo Điều 89 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 Nghị Quyết 70/2018/QH14 quy định từ ngày 01/07/2019, mức tiền lương tối đa đóng BHXH bắt buộc của người lao động là 29.800.000 đồng/tháng, thay vì 27.800.000 đồng như trước đó.

luật bảo hiểm xã hội

Điều chỉnh liên quan đến chế độ hưu trí của lao động nữ

Dựa theo Nghị định 153/2018/NĐ-CP của Chính phủ vào năm 2019, lao động nữ có thời gian đóng BHXH từ đủ 20 năm đến 29 năm 06 tháng có thời điểm nghỉ hưu nằm trong khoảng thời gian 2018-2021 sẽ được thay đổi mức lương của mình. 

Bên cạnh các loại lương phổ biến như lương gross và lương net, lương hưu cũng là một trong những loại lương mà người lao động chưa nắm rõ nhiều nhất.

Mức điều chỉnh mới được tính theo công thức: Mức lương hưu thời điểm bắt đầu người lao động hưởng lương hưu x Tỷ lệ điều chỉnh tương ứng với thời gian đã đóng BHXH và thời điểm hưởng lương hưu.

Như vậy, tỷ lệ điều chỉnh cao nhất cho chế độ hưu trí của người lao động nữ là 9,23 % và tỷ lệ điều chỉnh thấp nhất là 0,81%, tùy thuộc vào thời gian đã đóng BHXH.

Xem thêm: Ứng viên tìm việc đâu chỉ vì lương

Hy vọng với bài viết trên, JobHopin phần nào đã giúp mọi người nắm rõ được những thông tin bổ ích liên quan đến Luật Bảo hiểm xã hội 2020. Dòng chảy các sự kiện liên quan đến người lao động luôn thay đổi thường xuyên, hãy luôn theo dõi và cập nhật kịp thời những thông tin nóng hổi cùng JobHopin nhé!

JobHopin Team