Home Sự nghiệp Giải mã ngành Nghề graphic designer : Chọn lựa, va vấp và thành công!

Nghề graphic designer : Chọn lựa, va vấp và thành công!

Nghề graphic designer : Chọn lựa, va vấp và thành công!

Một thực tế không thể phủ nhận là hiện nay vai trò của designer đã trở nên vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế trong nước, họ chính là những người góp phần thúc đẩy cán cân cung – cầu, là cầu nối giữa đơn vị sản xuất và người tiêu dùng bằng những thiết kế đẹp mắt, ấn tượng. Tận dụng nguồn nhân lực sẵn có và nắm bắt được nhu cầu của xã hội, các đơn vị đào tạo họa sĩ thiết kế đồ họa ra đời ngày càng nhiều, đã tạo nên sự sôi động cho thị trường nhân lực trong nước cả về số lượng và chất lượng.

Chọn lựa và va vấp để khẳng định bản lĩnh nghề nghiệp

Thực tế, không phải người học thiết kế nào ra trường cũng làm chuyên về design. Có người chuyển sang làm lập trình website, người làm quản lý, thậm chí làm PR cho các công ty truyền thông, dịch vụ… Có khá nhiều câu trả lời lý giải cho hiện tượng này, bởi công việc đưa đẩy, vì muốn khám phá những điều mới mẻ, do muốn thử sức mình ở những lĩnh vực khác nhau…

Song, cũng có không ít trường hợp ngược lại, đang làm PR lại chuyển sang học thiết kế đồ họa (như Dương Thanh Tú – GDX2), tốt nghiệp Đại học Bách Khoa nhưng lại làm về thiết kế nội thất và học design để nâng cao trình độ (như Nguyễn Thị Minh Thảo – GDX8); hay vừa học 3D vừa học 2D như Hồ Phương Hà (GDX3)… “Không hẳn người học design khi ra trường chỉ làm thiết kế. Thực tế, các công việc của tôi không hoàn toàn đúng chuyên ngành được học, nhưng những gì tôi được học tại Polygon đã giúp ích rất nhiều cho công việc của mình” – anh Võ Trung Hưng – Quản lý hình ảnh thương hiệu của Tập đoàn Vinasun, Phó Giám đốc Thương hiệu của công ty TOBE, cho biết.

designer
Designer không phải là công việc dễ dàng vì ngoài kỹ năng bạn cũng cần đến đam mê, kiên nhẫn.

Ở một khía cạnh khác, sự thiếu nhiệt huyết và đam mê, không thực sự hiểu bản thân mình muốn gì và học để làm gì đã dẫn đến tình trạng sinh viên bỏ ngang, hoặc học để đối phó, để lấy tấm bằng làm “hộ chiếu” đi xin việc. Đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu hụt nhân lực trong lĩnh vực thiết kế đồ họa. Nghề thiết kế được ví von như một bộ môn nghệ thuật và người họa sỹ chính là người nghệ sỹ chuyên làm nhiệm vụ “đẹp hóa” cho bộ mặt hàng hóa. Mà nghệ thuật ngoài khả năng thiên bẩm cần phải khổ luyện, trau dồi và không ngừng nỗ lực.

Thành công được hun đúc mà tạo thành từ cái nền vững chắc mới là thành công bền vững, lâu dài. “Tôi thấy rằng đa số các bạn đều có những điều kiện cơ bản rất tốt như: tài liệu nghiên cứu, môi trường học, trang thiết bị học tập… Tuy nhiên điều hạn chế nhất chính là đam mê nghề nghiệp, có sáng tạo, có ý tưởng nhưng lại thiếu đam mê, thiếu cố gắng nên hay bỏ học ngang” là lời nhận xét đáng để suy nghĩ của một designer thuộc thế hệ đi trước.

Nói tóm lại, khi đã xác định theo đuổi con đường thiết kế lâu dài, tự bản thân designer phải thực sự hiểu mình có đủ đam mê, sự kiên nhẫn và những kỹ năng cần thiết cho công việc này hay không? Dù là quyết định nào đi chăng nữa cũng không thể tránh khỏi những va vấp và cọ xát để họ trưởng thành. Đó là sự va-vấp-cần-có để họ có cơ hội chiêm nghiệm và đánh giá lại cái đúng – sai trong sự lựa chọn của mình.

Làm sao để trở thành một designer giỏi và thành công?

Đánh giá về tình hình phát triển của ngành thiết kế, anh Võ Trung Hưng cho biết: “Lĩnh vực thiết kế đồ họa tại TP. HCM nói riêng và Việt Nam nói chung hiện nay phát triển rất tốt cả về mặt mỹ thuật và ý tưởng sáng tạo. Việc các thế hệ thiết kế trẻ, nhiệt huyết, năng động và đầy sáng tạo đã đóng góp không nhỏ vào lĩnh vực này, tạo được sự phong phú và đa sắc thái. TP. HCM được xem là nơi đầu tàu về phát triển trong lĩnh vực thiết kế đồ họa đa phong cách, đa văn hóa. Tuy nhiên, vẫn còn số ít đâu đó thực trạng rời xa văn hóa truyền thống, không thể hiện được văn hóa doanh nghiệp đặc trưng, gây sự nhầm lẫn và khó phân biệt thương hiệu”.

Võ Trung Hưng quan niệm, người học thiết kế ngoài sự đam mê cần có, phải rèn luyện thêm cho bản thân mình khả năng quan sát, quan sát càng nhiều sẽ giúp cho ý tưởng của bạn thêm phong phú. “Thiết kế không hẳn là làm mà còn là quan sát, cảm nhận, logic và trải nghiệm” – anh cho biết thêm.

Phạm Hồng Thịnh cho rằng muốn thiết kế giỏi bạn phải có được một phông kiến thức nhất định, phải “trao thân gửi phận đúng chỗ” (tức được học tập ở một môi trường tốt, có uy tín, đào tạo chất lượng và bám sát thực tế).

Sinh viên học design ra trường và làm những việc liên quan đến thiết kế vốn là một điều rất bình thường. Song, những người học thiết kế đồ họa rồi mở một cơ sở đào tạo về chính ngành nghề mình từng theo học thì không nhiều, có thể nói là khá hiếm hoi, đặc biệt trong bối cảnh có rất nhiều đơn vị đào tạo về graphic designer tại Việt Nam hiện nay.

Một trong những người đó là anh Đinh Công Ái Nhơn – Giám đốc Công ty Đồ họa DC tại Cần Thơ – Công ty chuyên đào tạo thiết kế, thi công quảng cáo và tổ chức sự kiện. Anh cho biết: “Trước đây, tôi không nghĩ sẽ thành lập trung tâm để đào tạo mà chỉ muốn làm designer thôi. Nhưng sau khi tốt nghiệp, cộng với thời gian làm việc trước và sau khi học thì thấy rằng mình nên chia sẻ những hiểu biết nhỏ nhoi của mình với những bạn đang có nhiều đam mê, ước muốn trở thành designer như mình tại Cần Thơ. Vì qua quá trình học tôi nhận thấy cũng rất khó khăn cho những bạn không có điều kiện, vậy sao mình không rút ngắn những khó khăn đó lại bằng việc mở công ty đào tạo ngay tại Cần Thơ? Thú thật, chỉ có đam mê và máu liều thì tôi mới dám làm như vậy!”.

designer
Định hướng về ý thức nghề nghiệp, sự đam mê và tinh thần đồ họa… là chính.

Do nghề đồ họa tại Miền Tây nói chung và Cần Thơ nói riêng còn rất mới mẻ nên chưa thực sự phát triển so với các thành phố lớn khác như Hà Nội, Tp.HCM. Bởi vậy mà song song với việc làm thiết kế, các designer ở đây phải làm nhiều việc khác nhau để đảm bảo cho cuộc sống của bản thân và gia đình. “Chuyển hướng đào tạo mà không làm nghề thì chưa hẳn, tôi vẫn làm cùng lúc hai cương vị, vừa đào tạo vừa thiết kế để lấy ngắn nuôi dài vì đào tạo nơi đây còn khó khăn lắm” – anh Đinh Công Ái Nhơn chia sẻ thêm.

Kiên nhẫn và tận tâm với nghề chính là thông điệp mà anh gửi tới các bạn trẻ – những designer tương lai: “Tôi nghĩ là nên định hướng về ý thức nghề nghiệp, sự đam mê và tinh thần đồ họa… là chính. Các bạn hãy xác định chín chắn xem bản thân mình có phù hợp với nghề này hay không? Đừng phí thời gian khi không thật sự đam mê. Tôi không phủ nhận có không ít người làm giàu bằng nghề design, thậm chí theo tôi còn có nhiều cái dễ dàng hơn. Nhưng cũng thật sai lầm khi nghĩ rằng theo đuổi nghề thiết kế chỉ để làm giàu. Với mức lương hiện nay của designer là rất tốt tuy nhiên không phải người nào cũng được như vậy, nó còn tùy thuộc vào qui mô đơn vị, và sự đánh đổi giữa sản phẩm đồ họa của bạn nữa. Tôi chỉ nhắn nhủ với các bạn rằng, hãy biết tận dụng khả năng của mình để phát triển tương lai bằng đam mê, sáng tạo và sự bứt phá trong ý tưởng. Nhưng đừng quên rèn luyện sự kiên nhẫn và cái tâm với nghề”

Designer giỏi ư? Thiên thời – địa lợi – nhân hòa, nhưng… quan trọng là ở chính bản thân mình!

Nguồn: http://www.polygon.vn