IT Security: Làm gì để trở thành bức tường lửa của tổ chức?

Sự ra đời và phát triển vượt bậc của Internet là cánh cửa thần kỳ giúp thay đổi toàn thế giới. Thông tin ngày nay được truyền tải và lan rộng nhanh hơn, cách thức tiếp cận và sáng tạo đa dạng hơn nhờ đủ các nền tảng mạng xã hội. Các ông lớn khác như Amazon, Alibaba thì góp phần thay đổi thói quen tiêu dùng của công dân trên toàn cầu với nền tảng mua bán trực tuyến của họ. 

Còn vô số những điều kỳ diệu khác được tạo ra nhờ Internet, tuy nhiên đi kèm với chúng chắc chắn không thể thiếu những bất cập khác tồn tại cùng lúc. Theo số liệu năm 2018, “nền công nghiệp” mang tên tội phạm an ninh mạng ước tính trị giá 1,5 nghìn tỷ đô la. Phần lớn liên quan đến các vấn đề như chính trị, kinh tế và đạo đức, xã hội. Thậm chí đến những ông lớn như Facebook cũng dính vào những vụ cáo buộc ăn cắp thông tin người dùng gây xôn xao dư luận một thời. 

Chỉ tính riêng năm 2019, cứ 14 giây thì xảy ra một cuộc tấn công mạng. Đặc biệt trong đại dịch Covid-19, khi mọi hoạt động thường nhật chuyển sang online – Tỉ lệ các vụ tấn công tăng 50% so với cùng kỳ năm ngoái. 

IT và Cyber Security được tạo ra nhằm mục đích ngăn cản sự phát triển vượt kiểm soát của những bất cập đó. Tuy nhiên, hai khái niệm nghe tưởng chừng giống nhau này có phải là một và làm thế nào để phân biệt chúng?  

Hãy bắt đầu với sự giống nhau

Nguyên do khiến hai khái niệm này thường bị nhầm lẫn là vì xuất phát điểm của chúng giống nhau. IT Security là một mảng lớn với nhiều nhánh khác nhau trong đó bao gồm cả Cyber Security. Cả hai thuật ngữ đều đề cập đến các hoạt động nhằm bảo đảm sự an toàn và giữ hệ thống máy tính khỏi các hành vi độc hại và xâm phạm dữ liệu. Vậy có thể hiểu được rằng chúng có một sự tương đương về lý thuyết nhưng để áp dụng chuẩn xác và đạt hiệu quả thì cần phải hiểu rõ sự khác biệt giữa cả hai nằm ở đâu!

Sự khác biệt giữa Cyber Security và IT Security

IT Security là gì? 

IT Security còn được gọi là bảo mật thông tin hoặc InfoSec, vai trò của vị trí này chính là bảo mật dữ liệu. Cốt lõi của bảo mật CNTT được gói gọn trong 3 từ: tính bảo mật, tính toàn vẹn và tính khả dụng của dữ liệu. Nói cách khác, bảo mật CNTT nhằm mục đích giữ cho dữ liệu của tổ chức luôn an toàn.      

IT Security đảm nhận công việc gì trong một tổ chức?

Tùy vào từng tổ chức mà vai trò của vị trí này sẽ thay đổi, nhưng nhìn chung vẫn sẽ là các công việc như:

  • An toàn vận hành: Giám sát các thông tin được bảo mật và mang tính nhạy cảm của tổ chức. Ví dụ như các văn bản, chính sách, hợp đồng.
  • Phối hợp với các phòng ban khác để theo dõi các điểm bất thường và ngăn chặn tấn công mạng hoặc rò rỉ thông tin tổ chức.
  • An toàn sản phẩm: Kiểm định và giám sát mã nguồn, thiết kế của sản phẩm. Dự đoán và xử lý triệt để các tình huống như lỗi hệ thống, lỗi tràn bộ đệm, mã hóa, SQL Injection, chèn code vào website.

Xem thêm: CTO và CIO là gì? Cách phân biệt đơn giản và chính xác nhất

Cyber Security là gì? 

Tương tự như bảo mật CNTT, nhưng Cyber Security được hướng đến mục đích giữ an toàn thông tin nhưng đặc biệt tập trung vào dữ liệu ở dạng kỹ thuật số như các thiết bị di động, máy tính bảng, máy tính, máy chủ và những loại hình tương tự. 

Mục đích là giữ cho dữ liệu của các thiết bị điện tử không bị truy cập trái phép. Để thực hiện điều đó, các chuyên gia an ninh mạng lựa chọn các giao thức và phương pháp bao gồm xác định dữ liệu có tính chất nhạy cảm hoặc có giá trị, giảm thiểu các điểm dễ bị tấn công trong mặt tiền bảo mật của tổ chức, đánh giá rủi ro và nhiều hơn thế. 

Cyber Security đảm nhận công việc gì trong một tổ chức?

Vị trí Cyber Security trong doanh nghiệp đảm nhận công việc bảo mật ứng dụng của tổ chức,  cũng như có chiến lược phòng thủ nếu các ứng dụng này bị tấn công từ bên ngoài. Khác với IT Security, Cyber Security thiên về bảo mật dữ liệu của các ứng dụng từ xâm nhập bên ngoài hơn là các lỗi hệ thống bên trong. 

Ở thời đại 4.0, khi mạng xã hội và smartphone là công cụ không thể thiếu của hàng tỉ người trên toàn cầu, điều này đồng nghĩa số lượng tội phạm mạng cũng sẽ tăng cao khi data người dùng có thể sử dụng như một dạng hàng hóa. Lúc này Cyber Security có mục đích giữ cho dữ liệu của các thiết bị điện tử, di động của tổ chức, cá nhân khỏi các phần mềm độc hại tràn lan trên mạng hoặc trong trường hợp bị xâm nhập trái phép, bị đánh cắp.

Vai trò của vị trí này vô cùng quan trọng trong một tổ chức, đặc biệt trong thời đại mà dữ liệu lên ngôi. Nếu các tổ chức, doanh nghiệp không nâng cao bảo mật từ trong và ngoài sẽ dễ rơi vào tình trạng dữ liệu mật bị xâm nhập trái phép. Kẻ xấu có thể tận dụng những dữ liệu này để trục lợi riêng, cạnh tranh không lành mạnh hoặc thậm chí là tống tiền doanh nghiệp.

Yêu cầu kiến thức cơ bản nếu muốn làm về IT Security và Cyber Security?

Về quy trình vận hành thì cả hai khái niệm này sẽ khác nhau đôi chỗ, tuy nhiên kiến thức nền tảng dành cho hai lĩnh vực này là khá giống nhau. 

Bạn cần nắm vững nền tảng networking như Routing, NAT, VPN. Đồng thời, phải thông thạo cách mà các hệ điều hành như Window, iOS, Linux,… vận hành.  Hiểu biết về dữ liệu cũng vô cùng cần thiết, tương tư với các kiến thức mã hóa, mật mã học như RSA, mã hóa đối xứng và bất đối xứng.

Ngoài những điều cơ bản, cần trang bị thêm cho bản thân các kỹ năng mềm, biết tự học hỏi và bổ sung kiến thức từ nhiều nguồn khác nhau. Tiếng Anh cũng vô cùng cần thiết vì nó là công cụ hỗ trợ bạn nạp thêm kiến thức từ các khóa học online từ nước ngoài đơn giản hơn. 

Kết

IT và Cyber Security hiện đang là hai ngành đang khá nổi tại Việt Nam khi nhu cầu tuyển dụng cao và chúng ta đang dần đi theo hướng củng cố nhận thức về bảo mật thông tin. Tuy nhiên, bạn nên lưu ý khi chọn theo đuổi sự nghiệp “hacker mũ trắng” rằng cả hai vị trí này hoàn toàn không giống như những gì mà Hollywood miêu tả. Đây là lĩnh vực vất vả và rất cần sự kiên trì. 

Ngoài ra với tính chất đổi mới từng ngày, bạn sẽ phải luôn chuẩn bị tinh thần bổ sung và học thêm kiến thức mới cả trong và ngoài nước. Bên cạnh những kiến thức chuyên môn, các “hacker mũ trắng” cần chủ động tìm hiểu các chứng chỉ hoặc khóa học kỹ năng mềm, bổ túc thêm thông tin về luật an ninh mạng,…

Những năm gần đây, thị trường ngành công nghệ thông tin tại Việt Nam luôn có nhu cầu rất cao. Đặc biệt khi nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài đổ về lĩnh vực này ngày càng tăng, mở ra cho CNTT và những ngành nghề liên quan đến nó trở thành một cơ hội lớn nên nắm bắt.

Báo chí nói gì về JobHopin?

JobHopin Team