Mỗi ngày, chúng ta dành khoảng 8 tiếng ở văn phòng, tuy nhiên, đó không phải là con số “tối đa”, mà thường là “tối thiểu”. Mặc dù vậy, không phải ai cũng có thể rời bàn làm việc với tâm lý thảnh thơi, thay vào đó, họ quanh quẩn bên đống suy nghĩ ngổn ngang về những phần việc còn dang dở.
Điều này xảy ra là do cấp trên yêu cầu quá nhiều? Hay do trong xã hội hiện nay, “bận bịu” đang được xem như một sự thể hiện cho năng suất của bạn trong mắt người khác, dẫn đến mọi người có xu hướng làm nhiều việc hơn để chứng minh bản thân?
Mặc dù nguyên nhân đến từ khách quan hay chủ quan, thì bạn hãy luôn nhớ một điều: Bận bịu, không đồng nghĩa với quá tải.
Nếu bạn đang có dấu hiệu mỗi ngày làm việc đều tất bật, nhưng hiệu quả lại thường không cao, thì hãy dành thời gian và cân nhắc lại một điều: Liệu mình có đang quá tải công việc?
Vậy, một khi đã nhận ra tình trạng quá tải này, làm thế nào để bạn vượt qua nó? Hãy cùng JobHopin điểm qua 4 điều lưu ý để cải thiện tình hình này bạn nhé:
1. Sắp xếp thứ tự ưu tiên
Quá tải thường đến khi bạn ôm đồm quá nhiều việc khác nhau, nhưng lại không biết sắp xếp mức độ ưu tiên giữa các công việc này. Multi-tasking sẽ phản tác dụng nếu bạn thực hiện mọi thứ theo đúng nghĩa đen là cùng-một-lúc.
Hãy luôn luôn là một người làm việc thông minh khi luôn nắm rõ lượng nhiệm vụ mà mình phải hoàn thành, cũng như mức độ quan trọng của từng đầu việc.
| Đọc thêm:
- Thành công nằm ở cách làm việc thông minh hơn, không phải chăm chỉ hơn
- Mono-tasking: Làm việc ít, hiệu quả cao
2. Hãy học cách phân việc
Mỗi người trong chúng ta đều mang trong mình một cái tôi nhất định, nó khiến bạn cảm thấy mình có thể hoàn thành tốt điều này mà không phải là một người khác. Tuy nhiên, sẽ là sáo rỗng nếu không có thực tế chứng minh mà những lời ca thán về làm việc nhóm vẫn luôn tồn tại:
“Không ai trong chúng ta thông minh bằng tất cả chúng ta.” – Ken Blanchard
Khi có một mục tiêu chung, chất lượng công việc của mỗi người đều sẽ luôn hướng đến việc đáp ứng yêu cầu của cả tổ chức. Vì thế, nếu bạn có đồng nghiệp hay cấp dưới, hãy biết cách yêu cầu giúp đỡ, và “học cách an tâm” khi giao việc cho người khác.
3. Trò chuyện với đồng nghiệp
Hãy thử mở lòng và chia sẻ với đồng nghiệp, tuy nhiên, hãy chọn đúng người. Đó có thể là người ở cùng phòng ban, hay nhân viên thuộc bộ phận nhân sự – những người hiểu chính xác công việc của bạn là gì, để họ có thể lắng nghe bạn hiệu quả. Người ở ngoài cuộc thường sáng suốt hơn, có thể họ sẽ nhận ra vấn đề là từ phía bạn, hay bởi lý do khách quan, để từ đó cho bạn những lời khuyên hữu ích nhất.
4. Và cả với cấp trên, nếu cần thiết
Nếu vấn đề không đến từ lý do chủ quan, bạn hoàn toàn có quyền yêu cầu một buổi gặp mặt để trình bày với quản lý của mình. Tuy nhiên trong trường hợp này, bạn nên có cho mình sự chuẩn bị: Đừng trình bày những vấn đề bằng cách giao tiếp suông, hãy cho cấp trên thấy rõ lượng công việc bạn đang làm, thời gian để hoàn thành mỗi công việc đó. Bởi vì đôi khi họ cũng quá bận rộn với những công việc cá nhân mà không quản lý được sát sao lượng việc mà bạn đang làm, vì thế, hãy nhân cơ hội này để trình bày cho họ.
Ngoài ra, hãy chủ động đề xuất những giải pháp. Đó có thể là yêu cầu phân bổ công việc cho đồng nghiệp, dời deadline, hay một giải pháp cải tiến hơn giúp rút gọn quy trình… Quan trọng là bạn đã có sự chuẩn bị cho riêng mình, đừng chỉ chờ đợi cách giải quyết từ cấp trên, mà hãy tập cách chủ động giải quyết vấn đề của mình bạn nhé.
Trên đây là những lưu ý giúp bạn khắc phục tình trạng quá tải công việc, hy vọng những điều này sẽ hữu ích cho bạn trong việc cải thiện hiệu suất làm việc của mình.
JobHopin Team